Mình ở Fulbright (phần 2)
Tạo ra điều thay đổi thế giới, hay tạo ra người thay đổi thế giới?
“Học ngành này ra làm gì vậy?”
Mình từng viết một bài trả lời rằng “học để làm người”, nhưng thế thì có hơi lạc đề. Làm người là để mình được hạnh phúc. Học còn để làm ra điều gì đó cho người khác, cho xã hội: nếu là một Marketer mình sẽ chạy một chiến dịch truyền thông thu hút, nếu là một lập trình viên mình sẽ gõ một chương trình hiệu quả.
Chọn Fulbright và dấn thân vào con đường thuần nghiên cứu ở đây nghĩa là chuyện sẽ hơi khác với mình: Mình học để làm ra những thứ sẽ giúp người ta làm ra thế giới.
1. Tại sao lại có công thức đó?
—Là câu mà mình ít khi tự hỏi, bởi cái mình quan tâm hơn là nên dùng công thức nào để giải bài toán và được điểm tối đa. Với một đứa không giỏi các môn Tự nhiên, mỗi việc thuộc 10 20 công thức trong một buổi học đã đủ khó với mình rồi.
Nhiều khi mình thấy may mắn khi sinh ra ở thế kỷ 21 chứ không phải là thế kỷ đầu tiên. Điều đó nghĩa là mình biết có ngày và đêm vì Trái Đất quay quanh Mặt Trời, mình biết tính quãng đường nhanh nhất để đến trường, mình biết học hành phải đi đôi với củng cố vì người ta dễ quên hơn là nhớ, v.v.
Con người “đứng trên vai người khổng lồ” để tạo ra công nghệ tân tiến hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn. Nhưng nhiều khi “bờ vai” ấy vững chãi và bất động đến nỗi mình quên rằng mặt đất nơi mình đang đứng là mồ hôi, nước mắt và thậm chí là xương máu của những người đi trước - những con người nhỏ lần mò trong thế giới rộng để tìm được một công thức Toán học hay chứng minh một học thuyết Nhân chủng học.
Nhờ có họ, chúng ta của ngày hôm nay sống mà ít khi cần lo lắng về “tại sao”, chúng ta thường lo nghĩ “làm gì” hay “làm thế nào”.
2. Vì con người
Ở Fulbright, mình được học về “tại sao”. Tại sao chiến dịch truyền thông này chiếm dụng văn hoá dân tộc thiểu số? Tại sao dùng từ “khiếm thính” thay vì “điếc” mang ý kỳ thị nhiều hơn là tôn trọng? Và quan trọng nhất là: Tại sao mình cần hiểu về thế giới trước khi tạo ra thế giới?
Bởi vì học Nguyên lý Marketing sẽ giúp mình tạo ra một chiến dịch truyền thông; còn học Triết học Đạo đức, Khuyết tật học, Sinh học Môi trường, v.v. sẽ giúp mình tạo ra một chiến dịch truyền thông nhân văn.

Mình tin rằng trước khi tạo ra một thứ gì đó cho con người, mình nên làm điều đó với mục đích vì con người.
Vì con người nghĩa là một người 100kg sẽ cảm thấy biển quảng cáo thời trang ở ngoài đường cũng tôn trọng và yêu thương họ như với một người 50kg. Vì con người nghĩa là ly trà sữa cầm trên tay không mang lại gánh nặng rằng nó sẽ bị thải ra đại dương và rơi vào bụng một con cá nào đó. Vì con người nghĩa là làm những việc khiến mình thấy bản thân hôm nay tốt hơn ngày hôm qua một chút.
3. Ai sẽ tạo ra tiên phong?
Có nhiều lý do khiến mình yêu và theo đuổi việc học nói riêng và Giáo dục nói chung. Mình đã gặp và trò chuyện với những người mà mình tin rằng có thể làm những điều thay đổi thế giới; nhưng thay vì thế họ lại trở thành giáo viên, dạy thứ mình đã biết cho người chưa biết, trong hàng chục năm liền.
Mình hỏi giáo viên Mỹ thuật rằng tại sao thầy không hoàn toàn tập trung vào sự nghiệp nghệ thuật để làm ra những tác phẩm để đời hay dẫn dắt những trào lưu mới. Thầy hỏi mình ngược lại:
“Nếu tất cả mọi người đều là tiên phong, vậy ai sẽ là người tạo ra những thế hệ tiên phong tiếp theo?”
Thầy lui về hậu trường, chọn nghề giáo để trở thành người nuôi lớn ước mơ và hoài bão. Mình rời khỏi “thế giới tư bản”, chọn con đường học thuật để xây dựng lý thuyết làm nền tảng cho xã hội.
Có thể mình sẽ không được đề tên trên những chiến dịch truyền thông và chẳng xuất hiện trong quyển sách chuyên ngành nào. Nhưng với mình, điều tuyệt vời nhất nằm ở chỗ bản thân sinh ra là con người nhỏ bé, và trở thành một phần của “người khổng lồ” giúp nhân loại tiến xa hơn.
Serie “Mình ở Fulbright”:
Phần 2: Người tạo ra tiên phong
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay