"Embrace uncertainty"
Fulbright không dạy mình trở thành một ai đó: một Copywriter, Planner, hay Marketer. Fulbright dạy mình trở thành bất kỳ ai mà mình (có thể sẽ) muốn trong tương lai.
Một tiếng trước thời hạn đóng đơn, và mình đứng hình trước một câu hỏi muôn thuở: “Hãy tưởng tượng bạn sẽ là ai trong 10 năm tới?”
Mình đã trả lời xong một câu hỏi 800 chữ rồi, nhưng vẫn còn 3 câu nữa, và rõ là mình sẽ chẳng kịp điền lá đơn ứng tuyển mà mình đã trì hoãn đến tận bây giờ. Vậy nên mình đã làm ra một quyết định khiến chính mình cũng ngỡ ngàng: không trả lời câu hỏi đó.
Tất nhiên là mình không dại gì mà bỏ trống, mình bắt đầu trình bày lý do:
“Mình xin phép không trả lời câu hỏi này vì câu hỏi không phù hợp với giá trị quan của mình. Trường Đại học mình đang theo học và rất yêu quý là một ngôi trường ưa sự “thay đổi” (nguyên văn là “embrace uncertainty”, mình dịch theo cách hiểu của mình) cả về tư duy, học vấn lẫn nghề nghiệp. (…)”
Đúng là “trong cái khó ló cái khôn”, và mình cực kỳ cảm ơn Fulbright đã cho mình “cái khôn” kịp lúc ấy.
Từ nhỏ đến lớn những người xung quanh luôn cho mình một checklist để biết mình cần làm gì: “học cho giỏi”, “thi khối D vì con giỏi Toán Văn Anh”, “đậu đại học ở Sài Gòn” v.v. Không khó lắm để giải một bài toán nếu đã biết công thức, vậy nên mình đã làm y như những gì được bảo để trở thành con ngoan trò giỏi.
Nhưng lớn hơn chút nữa thì chẳng còn “hướng dẫn sử dụng cuộc đời” nào. Lần đầu tiên mình phải tự lên một bản kế hoạch cho tương lai; và “tương lai” là bài toán mà mình còn chẳng biết đề.
Mình chọn vào Fulbright vì nhiều sự tình cờ. Một trong số đó là giá trị của trường - “dành cho những ai chưa xác định rõ đam mê của mình” - rất hợp với sự mông lung của mình lúc đó. Mình nghĩ, thế cũng được vậy, checklist tiếp theo sẽ là “đạt straight A” và “đi làm Marketing” (vì lúc đó Marketing đang hot, và hình như bây giờ vẫn vậy).
Nhưng ở Fulbright, mình có một trải nghiệm học đại học hoàn toàn khác.
Ở Fulbright không có ngành nào liên quan đến PR & Marketing, nên mình chọn Social Studies vì thấy kiến thức hay ho. Thế nhưng hiểu Thuyết Khế ước xã hội (”social contract theory”) chẳng thể giúp mình viết social media post chuẩn SEO, và học về đạo đức của Aristotle chẳng liên quan gì đến cách chạy campaign quảng cáo.
Những lúc đó mình sẽ tự hỏi liệu mình có chọn một nước đi sai cho tương lai rồi. Mình là ai và sẽ là ai giữa Sài Gòn đèn đuốc sáng trưng này? Mình có đang chậm chân giữa thành phố mà mọi người đều không ngừng tiến về phía trước?
Và đó là khi mình nhận ra, đôi khi kế hoạch thất bại là cơ hội để thay đổi, và nhiều khi những điều không biết trước (”uncertainties”) là khởi đầu cho bất ngờ thú vị. Trường mình hiểu rằng bốn năm đại học là quá ngắn để nắm bắt chuyên môn nào đó, Marketing chẳng hạn. Và có khi sau này mình chẳng thiết tha gì với sự nghiệp mình đã từng mơ ước.
Fulbright không dạy mình trở thành một ai đó: một Copywriter, Planner, hay Marketer. Fulbright dạy mình trở thành bất kỳ ai mà mình (có thể sẽ) muốn trong tương lai, và quan trọng hơn, trở thành “Tuệ Nguyên” duy nhất.
Dẫu con đường mình lựa chọn là gì, thì nghề nghiệp không nên là thứ duy nhất định nghĩa cuộc đời mình. Hơn cả những lời khen về lương cao hay chức vụ tốt, mình càng muốn người khác nhắc đến mình là Tuệ Nguyên, vì chỉ khi đó thì mình mới đang sống cuộc đời mình, của riêng mình.
Mình không tưởng tượng được chính mình trong tương lai, nhưng mình có thể nỗ lực để khiến bản thân của tương lai tốt hơn một chút.
Và 10 năm tới, mình là ai nếu không là “Tuệ Nguyên”?
_______
#WOTN5 #Day9
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.