Mình ở Fulbright (phần 1)
Giáo dục Khai phóng không có nghĩa là “khai phóng” tất cả mọi người.
Điều mình biết là Fulbright là một trường đại học Giáo dục Khai Phóng (”Liberal Arts”). Nghĩa là mình sẽ được học bất kỳ môn nào mình thích trước khi chọn cho bản thân một con đường phù hợp vào năm 2.
Điều mình không biết là Giáo dục Khai phóng không phải dành cho tất cả mọi người.
Năm đầu tiên ở Fulbright, mình được học rất nhiều chuyên ngành: một chút Văn, vài tí Tâm lý học, rồi còn “chọt” Lập trình nữa. Có khó có dễ, nhưng cái gì cũng mới và thú vị. Còn gì tuyệt hơn là học những thứ mình thích học?
Nhưng khi những người bạn - cũng có dự định làm Marketing như mình - bắt đầu học Nguyên lý Marketing hay cách dựng TVC, mình mới nhận ra xuất phát điểm của mình khác với mọi người.
Ở một ngôi trường Giáo dục Khai phóng, mình không học về Marketing chuyên sâu như các bạn (thậm chí là chẳng học gì vì trường không có chuyên ngành này). Ở một ngôi trường thiên về nghiên cứu, mình không học kỹ năng để làm ra một quảng cáo - mình học về việc tại sao quảng cáo ấy cần suy xét đến định kiến giới, hay thể hiện trách nhiệm với môi trường.
Mới đầu, mình sợ rằng mình sẽ thua thiệt những bạn đồng trang lứa; khi các bạn có thể trình bày kỹ năng với nhà tuyển dụng, mình chỉ biết giải thích tại sao con người có thể vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa tôn vinh những sản phẩm “100% từ thiên nhiên”.
Sau này, mình biết rằng kỹ năng là thứ có thể học khi đi làm, còn cách tư duy, thế giới quan, giá trị đạo đức, v.v. là những điều mà mình nên học trước khi vào đời.
Bởi lẽ, trường học là nơi phù hợp nhất để tạo cho bản thân một nền tảng tinh thần đúng đắn, để mình không lạc lối giữa xã hội rộng lớn.
Trường học hội tụ những giáo viên từng trải - cuộc sống cho họ chiều rộng, và sự nghiệp học thuật cho họ chiều sâu. Trường học là điểm kết nối - mình được gặp gỡ những bạn bè, anh chị em với sự nhiệt huyết từ đa dạng tỉnh thành, giới tính và độ tuổi. Trường học là nơi an toàn - mình có thể thử mà không cần sợ hãi, có thể sai mà không phải chịu hậu quả quá lớn.
Người ta bảo “Đại học là xã hội thu nhỏ”; còn với mình, Fulbright là ngôi nhà ấm áp, là cái nôi nuôi dưỡng tri thức và tình yêu, giúp mình trưởng thành, chín chắn, và sẵn sàng bước vào xã hội.
Và mình bước vào xã hội không phải như một người đi làm có kỹ năng xuất sắc; mà là một người biết suy nghĩ sâu sắc về tính chân thật của những bài đăng “giật tít”, biết băn khoăn về lợi ích của cộng đồng yếu thế hơn, biết bao dung cho những nghề nghiệp, những mảnh đời còn chịu nhiều định kiến.
Một người chị học chung ngành từng nói với mình rằng, em sẽ thấy được giá trị của việc học ở Fulbright, nếu thước đo thành công của em không phải là tiền.
Mình vào Fulbright với tư duy của một người “học đại học để kiếm việc để kiếm tiền” - và hiển nhiên tư duy đó không phù hợp với một đại học Giáo dục Khai phóng nặng tính nghiên cứu.
“Không phù hợp” không có nghĩa là tốt hơn hay xấu hơn. Với mình thì học đại học để cống hiến cho chính mình hay cống hiến cho xã hội cũng như nhau - mục tiêu và ước mơ của ai cũng đều đáng quý.
Chỉ là bây giờ, mình lựa chọn nền tảng tinh thần là nghĩ về con người, về môi trường, về đạo đức, về những vấn đề mình biết và chưa từng biết, thấy và chưa từng thấy.
Và mình nuôi một ước mơ nhỏ nhoi: lan toả những giá trị nhân văn, ấm áp của Fulbright đến với nhiều người hơn nữa.
Serie “Mình ở Fulbright”:
Phần 1: Tại sao lại là Giáo dục Khai phóng?
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay