Mình ở Fulbright (phần 3)
Trường học tốt nhờ sinh viên, hay nhờ chính ngôi trường đó? (Hay cả 2?)
Hai tuần nữa mình sẽ đi học lại, chính thức trở thành sinh viên đã “sống sót” đến năm 3 của ngôi trường mang tên Fulbright.
Thành thật mà nói thì Fulbright vẫn còn là một ngôi trường rất rất mới, và không phải lúc nào trường cũng cho mình những thứ trường đã hứa hẹn khi chạy marketing =))) Mình từng nghĩ rằng sinh viên năm nhất nào cũng “vỡ mộng” khi bước vào ngôi trường mơ ước, và mình cũng từng nghe rằng có những ngôi trường nổi tiếng giỏi không phải do giảng dạy, mà do chính sinh viên đủ giỏi để tự “bơi”.
Fulbright thuộc về vế nào?
Mình chưa ở đây đủ lâu, và Fulbright cũng chưa đủ lớn để mình đánh giá được. Với mình của hiện tại, Fulbright là một ngôi trường (cũng hơi hơi) có được cả hai: một phương pháp dạy Khai phóng, và những sinh viên với tư duy Khai phóng. Hai điều đó khiến mình thấy nhiều hơn là đủ.
Nhiều hơn là chính mình
Mình giỏi các môn Xã hội và không rành tính toán - mình biết điều đó từ trước khi vào Fulbright, và càng tin chắc sau khi học vài khoá lập trình, thống kê. Vậy phải chăng mình lãng phí 4 tín và 3 tiếng/tuần (hoặc hơn) cho mỗi môn, để học những điều không có ích gì cho định hướng tương lai?
Không.
Vì với mình, việc học ở Fulbright không phải là sự đầu tư ngắn hạn trong vòng 4 năm, cho ra kết quả là một cái bằng và một chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó. Fulbright là sự đầu tư dài hạn để mình có được tư duy liên ngành - “interdisciplinary mindset”.
Mình là một sinh viên chuyên ngành Nghiên cứu Xã hội, có một chuyên ngành phụ là Nghệ thuật. Nhưng, mình còn nhiều hơn thế.
Với bài tập trên trường, mình vừa có thể dò từng dấu chấm dấu phẩy để sửa bug trong đoạn code, vừa có thể đọc lướt 50 trang lý luận văn học để tìm ý tưởng cho bài luận.
Với một cuộc tranh cãi trong team, mình thử dùng kiến thức Tâm lý học để lý giải rằng điều bạn muốn thể hiện có ý tốt, chỉ là cách truyền đạt bị ảnh hưởng bởi vấn đề cá nhân.
Với một chủ đề xã hội - chẳng hạn như tranh cãi về giới của vận động viên Olympics người Algeria, mình có thể nhìn nhận từ góc độ của phong trào nữ quyền/LGBTQIA+, của ý nghĩa chính trị mà thể thao mang đến cho một đất nước, hay của hiệu ứng truyền thông khiến câu chuyện trở nên nổi như cồn.
Mình học được kiên nhẫn, bao dung, sâu sắc, và rất nhiều những kiến thức, góc nhìn, tính cách mà mình nghĩ rằng khó có được nếu chỉ học một chuyên ngành. Bởi lẽ, điều kì diệu của giáo dục khai phóng là:
The exact same experience can mean two totally different to two different people, given those people’s two different belief templates and two different ways of constructing meaning from experience.
(Tạm dịch: “Một trải nghiệm có thể mang đến hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau với hai người khác nhau, vì họ có hai nhãn quan riêng biệt và hai cách lý giải riêng biệt.”) - David Foster Wallace
Là chính mình, nhưng đừng quên nghĩ đến “nếu là người khác thì sao?” - tư duy đó đã mở rộng cuộc sống của mình.
Nhiều hơn một ý tưởng
Có lẽ vì nhìn nhận thế giới từ nhiều góc độ khác nhau, mình bắt đầu có rất nhiều “ý tưởng”.
Trong tiết học về “Tạo ra một trường học cho tất cả mọi người”, chúng mình đã gợi ý việc bỏ hết tất cả những bài kiểm tra tính giờ để công bằng với học sinh mắc ADHD - vốn không thể tập trung trong quãng thời gian dài. Chúng mình còn nghĩ đến việc thay vì điểm số, thì một cá nhân sẽ được đánh giá bằng biểu hiện trong suốt quá trình học, được ghi chép bởi chính những giáo viên đã đồng hành cùng học sinh đó.
Nghe hơi lý tưởng hoá nhỉ?
Nhưng chẳng phải điều con người đang nỗ lực hàng ngày là để chúng ta được sống trong một thế giới lý tưởng hơn?
Và có những trường học ở New York đã thật sự làm được điều đó: không có điểm số, chỉ đánh giá xem học sinh đã học được kỹ năng đó chưa, từ đó mỗi học sinh có một lộ trình học riêng, phù hợp với năng lực cá nhân.
Có thể phương pháp dạy học ấy không phù hợp với Việt Nam, và có thể mình sẽ cần những “ý tưởng mộng mơ” khác để phát triển quê hương. Và mình sẽ đi tìm chúng.
Không phải ý tưởng nào cũng sẽ thành hiện thực, nhưng không vì thế mà chúng mất đi giá trị.
Nhiều hơn chỉ “thử”
Mình chọn đi tìm ý tưởng bằng chuyên ngành Nghiên cứu Xã hội, sau 3 lần nhảy từ ngành này sang ngành khác.
Mình từng sợ sẽ bị nói là “bất ổn”, lên năm 3 rồi mà vẫn đòi đổi ngành. Vậy mà dù bây giờ đã biết mình muốn lựa chọn gì, nếu được quay về năm 18 tuổi và chọn lại một trường đại học, mình vẫn sẽ chọn Fulbright.
Bởi vì Fulbright cho mình cơ hội được thử.
Thử tìm thấy một bản thân với nhiều khả năng hơn mình dám nghĩ đến, thử tìm thấy một đam mê to lớn hơn mình từng dám mơ.
Mình tin rằng ở ngôi trường này, có rất nhiều những sinh viên khác - những người cũng thử và thất bại, thử và thành công. Điểm chung của chúng mình ở một ngôi trường Khai phóng là chúng mình có thể không đi theo con đường mong muốn, nhưng ít nhất chúng mình đã một lần dám thử.
Fulbright làm nên mình, và mình cũng làm nên Fulbright như thế.
Serie “Mình ở Fulbright”:
Phần 3: Đại học, con người, và nhiều hơn thế
Bài viết thuộc thử thách Viết Đều và Hay của Writing On The Net Alumni.
#wotn #vietdeuvahay
Tuyển bạn này vào ASA nào =)))