Mình ở Fulbright (P4): Review các lớp mình đã học
Xuyên qua đại dương, núi sâu và rừng thẳm, mình thấy được những người đi tìm câu trả lời cho sự phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị giới tính, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trước khi lên lớp 11, mình hoàn toàn chẳng biết gì về Fulbright hay “Giáo dục Khai phóng” (Liberal Arts). Kể ra cũng kỳ, mình biết Ivy League - 8 trường đại học danh giá nhất Mỹ - mà lại không biết rằng cả 8 trường đều là Liberal Arts College. Vậy mới nói đó vẫn còn là một thuật ngữ xa lạ ở Việt Nam.
Để tìm hiểu về trường, mình lên mạng, dự webinar, nhắn tin, và trò chuyện với những người đang học ở Fulbright. May mắn là lúc đó mình quen kha khá anh chị đang theo học tại trường, nên cũng phần nào có một hình dung: Mình sẽ được khám phá thật nhiều, học về những cái mình không giỏi, tìm ra con đường mình đam mê và một sự nghiệp mình muốn theo đuổi ở Fulbright.
Mình vẫn hay đùa rằng Fulbright rất khác kỳ vọng của mình về trường; nhưng nếu được quay về 3 năm trước để chọn lại, mình vẫn sẽ chọn Fulbright.
Có nhiều lý do cho chuyện đó: vì hồi đó mình không đủ khả năng cho giấc mơ du học, vì mình nhận ra rằng cái bằng không quan trọng bằng cái mình học được - và còn gì hơn là được học ở một ngôi trường dạy mình cách lui về phía sau để thế giới tiến lên phía trước, ngôi trường có những sinh viên dám sống nhiều hơn là chính mình.
Vậy, mình đã học những gì trong gần 3 năm qua, ở một nơi hứa hẹn môi trường học thuật quốc tế, với học phí hơn nửa tỉ/năm?
Năm nhất
1. Global Humanities and Social Change
Tiết học đầu tiên của mình ở Fulbright, và cũng là 90 phút khiến mình hình dung được 4 năm đại học tới sẽ như thế nào: Chỉ một từ - NẶNG.
Tên môn học khá đao to búa lớn (toàn cầu, nhân loại, xã hội) và nội dung của lớp cũng y thế: Trong 12 tuần, mình đã có một “chuyến du lịch” vòng quanh thế giới, và cụ thể là thế giới Văn - Sử - Triết: từ Plato ở châu Âu đến Franz Fanon ở châu Mỹ, từ Kinh Thánh đến Đạo Đức Kinh, từ “Nghìn lẻ một đêm” đến “Siddhartha”,…
Ngẫm lại, đó là một hành trình khiến mình liên tục “ồ wow”, vì lần đầu tiên được đặt chân ra biển tri thức vô biên của nhân loại.
Xuyên qua đại dương, núi sâu và rừng thẳm, mình thấy được những người đi tìm câu trả lời cho sự phân biệt chủng tộc, sự kỳ thị giới tính, thấy cách họ nỗ lực thay đổi suy nghĩ của nhân loại, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“For a better world” - một cụm từ chung chung trong giấc mơ làm anh hùng của đứa con nít, hay trong bài luận apply đại học. Nhưng sau cùng, mình nghĩ rằng chính vì điều đó (”a better world”) mà những Triết gia, học giả vẫn tìm tòi những điều chưa ai biết, nói những điều chẳng mấy ai hiểu.
Vì chỉ khi được chỉ ra, viết ra, nói ra, thì con người ta mới nhận ra; và từ việc thay đổi ý thức ta mới có thể thay đổi hành động. Nếu Rachel Carson không viết “Silent Spring”, thuốc trừ sâu sẽ được ca tụng đến khi nào, và sẽ có thêm bao nhiêu mùa xuân vắng tiếng chim ca?
Dù rằng sau này không còn mấy ai nhớ đến bà là ai, những điều bà đã mang đến với cuộc đời vẫn mãi còn đó.
3. Critical Methods in Literary Studies
Lúc mình học môn này thì nó là level 100 (dễ nhất trong trường), nhưng sau khi học xong thì được nâng lên thành môn 200 =)) Nói vậy để thấy mình đã “quằn” thế nào.
Bài đọc của Global Humanities khá nhiều và nặng, nhưng hồi năm nhất mình thấy chẳng nhằm nhò gì, vì bài đọc của Critical Methods còn khó hơn gấp bội. Ngay tuần thứ hai khi tập tễnh vào đại học, mình đã “gặp gỡ” Saussure và Lévi-Strauss, hai người đàn ông khiến mình nghi ngờ cuộc đời, mà cụ thể là nghi ngờ tấm bằng IELTS và giải HSGQG Tiếng Anh.
Lần đầu tiên trong đời, mình đọc 16 trang bài đọc mà đọng lại trong đầu là “chẳng hiểu gì hết” hoặc là “hình như hơi hiểu mà hình như cũng không hiểu lắm”. Sign, structuralism, deconstructionism, postmodernism, carnivalesque, phallocentrism,… và thậm chí có những từ còn chẳng dịch ra được tiếng Việt (thật ra dù có đọc thuật ngữ tiếng Việt mình cũng không hiểu), tất cả đều ập đến trong bộ não trước giờ chỉ học kiểu “nhai đi nhai lại” một công thức suốt mấy tháng trời.
Nhưng cũng nhờ đó mình mới nhận ra rằng: Bấy lâu nay mình rất thiếu nền tảng lý thuyết, cụ thể hơn là nền tảng căn bản về học thuật.
Mình thường được học rằng chân - thiện - mỹ là tốt, nhưng không biết rằng cái “tốt” của chân - thiện - mỹ là bởi những giá trị đó được đặt trong một hệ thống với những giá trị đối lập, chẳng hạn như giả dối và xấu xa.
Nghe rất trừu tượng và khó hiểu nhỉ? Chính những kiến thức mà “kể cho ba mẹ nghe cũng không hiểu” lại trở thành tiền đề cho mình học những môn khó hơn. Trong bài đọc năm hai, năm ba, những từ vựng ấy xuất hiện quá đỗi thường xuyên, như cộng trừ nhân chia trong sách toán vậy.
Và dần dần mình cũng nhìn thế giới theo một cách học thuật và sâu sắc hơn - “Cái đẹp chỉ là social construct thôi.” hay “Ê, cái trường MIT nhìn postmodern ghê bây ơi!”
Nhóm bạn mình hay chọc nhau vì dùng từ vựng gì mà IELTS 10.0 quá; nhưng mà, những vấn đề phức tạp của thế giới đâu thể được giải quyết bằng những câu trả lời đơn giản?
Năm nhất ở Fulbright, mình học cách nghĩ và nói chuyện khác về thế giới mình sống hơn 18 năm qua.
P.S.
*Đây là một bài mình đã muốn viết từ rất lâu rồi, nhưng chưa có cơ hội. Nhân dịp năm mới bắt đầu (2025) và một năm sắp kết thúc (Giáp Thìn), mình muốn hồi tưởng lại quá trình ở một ngôi trường đã thay đổi mình rất rất nhiều.
*Do số lượng lớp khá nhiều và không phải lớp nào mình cũng có những bài học muốn chia sẻ, nên mình sẽ chỉ viết về những lớp mình ấn tượng nhất. Nếu mọi người muốn nghe chia sẻ cụ thể hơn về một chi tiết/lớp học nào đó thì có thể contact mình nha!
Serie “Mình ở Fulbright”:
Mình học gì ở Fulbright? (1)