Không hiểu? Thì thôi.
Câu trả lời của cô làm mình ngã ngửa: “Không hiểu hả? Không hiểu thì thôi.”
Mình bước vào đại học với tấm bằng IELTS 8.5 còn một năm nữa mới hết hạn. Vậy nên khi nghe nói chương trình có nhiều bài đọc khó lắm, mình nhởn nhơ nghĩ “với mình chắc cũng không khó đâu nhỉ?”
Và tất nhiên là mình đã ăn một cú vả thật đau =))
Giỏi tiếng Anh không có nghĩa là mình đọc hiểu từ chuyên ngành (”phallogocentrism”? Cái gì cơ?), và giỏi tiếng Anh trong thế kỷ 21 không có nghĩa là mình sẽ hiểu được triết gia Pháp thế kỷ 16 viết cái gì, trời ơi đất hỡi cái trò “viết càng ít người hiểu được thì càng hay”. Lần đầu tiên trong đời mình đọc mười trang giấy và hiểu đúng hai dòng, mà còn do hai dòng đó quá nổi tiếng và người ta phân tích đầy ra trên mạng.
Mang theo nỗi nghi ngờ sâu sắc về năng lực bản thân, mình đành “cầu cứu” academic advisor. Mình nói với cô: em thích lớp của cô lắm, nhưng em không biết làm sao để hiểu được bài đọc.
Và câu trả lời của cô làm mình ngã ngửa: “Không hiểu hả? Không hiểu thì thôi.”
Tất nhiên cô không bảo mình đừng học nữa, nhưng nếu mình đã cố gắng hết sức rồi - đã đọc đi đọc lại mấy lần và xem một đống video giải thích - mà vẫn thật sự không hiểu, thì có lẽ là chưa đến lúc mình nên hiểu.
“Em mới là sinh viên năm nhất. Khi nào em đã đọc và viết quen rồi thì hẵng quay về những thứ em chưa hiểu.”
Sau đó mình mới nhận ra “hiểu” không phải là biết nghĩa của từng từ một, mà là biết tiếp cận kiến thức đúng cách:
Đọc tóm tắt ý chính để hình dung trước mình sẽ đọc cái gì
Liệt kê câu hỏi mà mình muốn trả lời thông qua bài đọc
Tập trung vào kiến thức (1) quan trọng và (2) mình thấy hứng thú
Liên hệ kiến thức với các bài đọc khác trong lớp, hoặc thậm chí là kiến thức trong lớp khác
Thay vì học thuộc một công thức Toán mà không biết tại sao lại có công thức đó, mình dành nhiều thời gian hơn để đặt câu hỏi và tự phản biện. Mình thấy việc học trở nên ý nghĩa hơn khi đọc mười trang và ứng dụng được kiến thức của hai dòng quan trọng nhất vào bài luận. Lúc đó, “kiến thức trong sách” trở thành “tri thức của mình”.
Bây giờ thì chữ trong sách Aristotle hay Bentham đi vào đầu mình với một “màng lọc” dễ hiểu hơn hẳn. Mình không còn sợ đọc nữa, mình háo hức đâm đầu vào thứ mình sẽ hiểu, và thứ mình có thể sẽ không bao giờ hiểu.
Và dù mình không hiểu, vẫn có bạn bè và thầy cô giúp mình tung tăng trong “biển tri thức” mà ^^
_____
#WOTN5 #Day19
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.