Ghé xem "À Ố Show"
Trải nghiệm đi show biểu diễn nghệ thuật dài một tiếng, với chiếc vé rẻ nhất là 800,000 đồng.
Bước vào Nhà hát Thành phố, mình khá bất ngờ vì sân khấu nhỏ hơn mình tưởng, nhưng mình cũng nhận ra đây là lần đầu vào một nhà hát opera. Trần cao hình vòm, những dãy ghế xếp cánh quạt, bức tường hai bên khán đài đầy ắp những khung cửa sổ kéo kín rèm. Mình mường tượng ra lát nữa thế nào cũng có nghệ sĩ vén màn một ô cửa bất ngờ nào đó, chào khán giả rồi lại nhanh nhảu lùi vào chuẩn bị cho màn diễn kế tiếp.
Khi ánh đèn lịm đi, buổi diễn bắt đầu - À Ố Show.
tre “mềm mại”
Từ đầu tiên mình nghĩ đến là: “mềm mại”.
Những cây tre mềm mại. Những chiếc thúng chuyển động mềm mại. Những nghệ sĩ hoà mình mềm mại với cơ thể và với sân khấu.
Làm sao mà tre có thể “mềm mại” được? Tre Việt Nam cứng cỏi, tre làng chống đỡ cả một bầu trời tuổi thơ, tre dựng thành luỹ kiên cường chống giặc. Vậy mà, cái thúng cây tre trong tay những nghệ sĩ lại kể một câu chuyện khác: Tre hoá thành sóng biển dập dềnh, thành cây cầu cong cong, thành một thứ đồ chơi ném bắt linh hoạt.
Thì ra, tre đâu chỉ đứng lặng im cắm rễ xuống đất. Tre còn tiến vào cuộc sống, hoá thành linh hồn của người dân, của ngôi làng chài.
Mình từng đọc một bộ truyện mà diễn viên chỉ cần ngồi trên chiếc ghế bình thường cũng có thể diễn ra khung cảnh toa tàu chạy băng băng. À Ố show là nơi đầu tiên cho mình cảm nhận rõ nghệ thuật biểu diễn như thế:
Trên sân khấu chỉ có nghệ sĩ, đạo cụ là những cây tre, cái thúng, mình lại nhìn ra được hàng cây và cát trắng, trời xanh và biển rộng, bình minh và những chợ cá tấp nập.
Từng cái đung đưa chân, từng bước đi khẽ khàng hay loẹt xoẹt, từng cái vẫy tay của hai cô cậu tình chàng ý thiếp - tất thảy đều không có thật, nhưng lại thật hơn bao giờ hết. Dẫu không ngồi gần sân khấu, mình vẫn thấy được vẻ đẹp của “họ” - vẻ đẹp của những người làm nghề biển, người đã sống cạnh biển, trên biển, và dưới biển. Chiếc thúng chênh vênh nhưng không bao giờ ngã, vì họ đã được biển sâu ôm ấp vào lòng.
cảnh đánh đu
Có nhiều cảnh mình không nhớ rõ, nhưng ấn tượng nhất với mình lại là một cảnh không mấy nổi bật, thậm chí còn hơi lặp đi lặp lại: cảnh đánh đu.
Từ trên trần, một chiếc thúng lớn được thả xuống làm thành “chiếc đu” khổng lồ. Hay họ đang chơi đánh đu với vầng trăng khuyết ngay trong tầm tay? Sắc xanh kỳ bí phủ lên khung cảnh yên ắng - không một lời thoại, chỉ có hai người đứng trên chiếc thúng đong đưa qua lại theo tiếng đàn, đối mặt nhau trong một sự giao tiếp không lời huyễn hoặc nào đó. Khoảnh khắc tiếng đàn ngân lên nốt cao, một nghệ sĩ co người, lộn nhào trên không và rơi vào bãi bồi - được sắp nên bằng những chiếc thúng nhỏ hơn ở dưới.
Chuyển động ấy nhịp nhàng như thể chẳng còn lằn ranh nào giữa chiếc thúng và vầng trăng trên cao, giữa nghệ sĩ và câu chuyện họ đang kể trên sân khấu, giữa thực tại và tưởng tượng.
Mình thường tưởng tượng rằng ở một nơi xa, những nhân vật trong sách truyện mình đọc và những bộ phim mình xem sẽ thật sự bước đi và sống cuộc đời chân thật. Liệu có tồn tại một vũ trụ song song chăng? Mình không biết. Nhưng mình thà tin rằng trong 60 phút ngồi xem show diễn, có một câu chuyện, một thế giới khác đã thật sự tồn tại, bởi vì được nhìn thấy, được nghe thấy, được cảm nhận.
Mình biết rằng mình vẫn sống, chẳng phải cũng vì mình được người khác nhìn thấy, nghe thấy, và được cảm nhận đấy sao?
cái lãng mạn thực tế
Khi sân khấu chuyển sang cảnh thành thị, mình cảm thấy nao nao.
Có một cái gì đó đơn thuần trong đời sống của những người dân làng chài. Có lẽ là do cuộc sống của họ vẫn còn chia sẻ chung một tinh thần, hay như Durkheim nói - “mechanical solidarity” - họ làm những công việc giống nhau và sống những cuộc đời giống nhau, giản đơn và không màu mè.
Thành thị lại khác, thành thị mang đến không gian cho mỗi cá nhân làm những điều khác nhau (“organic solidarity”). Ngôi làng bị chia năm xẻ bảy trong những căn nhà trọ xập xệ, niềm vui không còn được kề tai chia sẻ với người hàng xóm mà khép lại trong 4 bức tường trống.
Hay đơn giản hơn, đó là tre và thúng bỗng trở nên “cứng cáp” hơn.
Tre biến thành giàn giáo, thúng biến thành gạch đá, xi măng. Con người vươn đến bầu trời cao hơn, nhưng càng rời xa mặt đất nơi họ sinh ra và chết đi.
“Kỳ quặc” và “chân thật” là hai từ mình nghĩ đến khi xem cảnh thành thị.
Có những người bán hàng rong ta chẳng bao giờ biết tên, có một trận bóng bàn tổ chức trong khu phố với cách chơi kỳ lạ, có câu chuyện tình yêu và củi gạo dầu muối. Dường như khi rời khỏi thiên nhiên và đến sống cùng với nhau, con người vẫn không quên mất lãng mạn - chỉ là cái lãng mạn ấy trở nên thực tế hơn mà thôi.
chiếc thúng rách
Màn sau, chiếc thúng lại lần nữa xuất hiện. Nhưng lần này lại là chiếc thúng rách.
Mình nhìn chăm chú nghệ sĩ lượn vòng quanh sân khấu với chiếc thúng rách ấy, và tự hỏi, chúng ta còn gì cho những người đã rời cuộc sống thôn quê để đến kiếm cơ hội đổi đời nơi thành phố xô bồ? Chiếc thúng rách - chúng ta còn gì cho quá khứ?
Sân khấu của À Ố nhỏ thôi, và bây giờ mình mới hiểu ra: Cuộc đời mỗi người cũng nhỏ như chiếc sân khấu ấy, quanh đi quẩn lại, dẫu có đi bao xa hay thay đổi bao nhiêu, vẫn tận tâm biểu diễn cho một khán giả - chính mình của sau này.
Xuyên suốt câu chuyện ấy (mà thật ra là câu chuyện của nhiều cuộc đời), mình đã À vì nhận ra những cái đẹp và cái xấu, đã Ố vì bất ngờ trước sự thay đổi chóng vánh của thời gian, và bởi khả năng tiềm tàng vô tận của con người với thế giới xung quanh.
Nghệ thuật lấy chất liệu từ cuộc sống. Sân khấu sẽ khép lại, nhưng cuộc sống thì không.
P.S. Vẫn còn rất nhiều điều mình muốn viết về show, chẳng hạn như yếu tố hài hước, hay yếu tố queer thể hiện cực kỳ rõ. Nhưng mình biết mình chưa đủ kiến thức và khả năng phê bình, nên mình viết bài để chia sẻ cảm nhận cá nhân nhiều hơn.
Mọi người có thể đặt vé xem À Ố Show trên website này nhé!
Mình đã mấy lần định đi show này mà vẫn chưa đi. Bài review hay quá ạ.